Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Chuyện cổ tích tuổi 17

Bài thơ này bài thơ cuối...cho anh
Cho Hà Nội xa em rồi...xa quá
Sóng cuộn lòng em , sóng vô tình đến lạ
Xô dạt nụ cười xô dạt cả ứơc mơ


  


Suốt mười mấy năm từ lúc tập tành làm thơ , lúc nào tìm được chút cảm xúc , tôi chỉ biết mò mẫm từng câu từng chữ để ghép thành vần , những thứ được gọi bằng thơ của Tôi  thường là những câu chữ mang âm hưởng nỗi buồn của một câu chuyện tình không có hồi kết cục ... Và cứ thế ngày này qua ngày khác ,
với riêng tôi những khúc thơ tình cũng giống như một thứ gia vị vui - buồn không thể thiếu trong cuộc sống ... 
 
Trong những bài thơ  ( bằng bút danh Viễn Du ) tôi viết từ lâu lắm có một bài tôi viết riêng tặng cho mối tình đầu rất đẹp mà suốt hơn ba chục năm  qua tôi chưa bao giờ  kể với bất kỳ ai , nó có thể chỉ đơn giản là phút run động đầu đời thoáng qua không để lại dấu ấn nào sâu đậm nhưng vô tình nó lại chính là cảm xúc thăng hoa cho những lần chợt nhớ ...để rồi cứ thế tôi muốn viết cho anh của câu chuyện ngày xưa mà tôi sắp kể , cho hồi ức một thời ...
 
Ngày ấy ... để giành giật với cuộc sống , để chống chỏi với cái đói đang lăm le đe dọa , tôi cùng gia đình ngược lên biên giới thuộc huyện Châu Thành để khai hoang vỡ đất , cuộc sống nơi vùng đất  mới đã sớm xóa đi làn da mơn mởn của cô bé vừa bước qua tuổi 17 , tuổi của những câu chuyện cổ tích  , tuổi của khát vọng - ước mơ...Chiếc ghế của nhà trường lúc bấy giờ đối với tôi là một thứ gì đó rất xa xỉ ngoài tầm tay với , tôi bắt buộc phải rời bỏ nó , phải rời bỏ thầy cô , sân trường và bạn học để lên rừng , để lăn xả vào tất cả những công việc nặng nhọc nhất của nương rẫy cốt chỉ để đổi lấy miếng ăn , và như thế tôi đến với rừng bằng nỗi buồn âm ỉ để cảm thấy cuộc đời dường như không có gì ý nghĩa nữa cả ...


Cuộc mưu sinh đầy vất vả ấy rồi cũng quen dần , tôi dần thích nghi với cuộc sống mới , quen dần với cách cầm cuốc , cách cầm liềm ,  quen dần với cách phát tranh - dẫy cỏ , trỉa lúa ...

Cuộc sống mới cũng dần lôi tôi bước đi một cách rất tự nhiên như nắng mưa mỗi chiều mỗi sáng ...

 Cho đến một ngày...

Anh - một chàng trai Hà Nội dáng dong dỏng cao cùng nước da ngăm đen rắn rỏi vừa được phục viên sau trận chiến cuối cùng thống nhất đất nước không hiểu vì lý do gì lại cùng cả gia đình dọn hẳn đến mảnh đất Tây Ninh nắng cháy da người này để định cư , Bố anh cũng không hiểu vì lý do gì lại dong ruổi thêm một quãng đường khá dài để tìm những mảnh đất còn hoang hóa này mà khai khẩn trong khi ở HN gia tộc anh thuộc diện khá giả ...Sau khi làm chủ một vài mẫu đất nằm cạnh mấy công đất nhỏ bé của gia đình tôi , gia đình anh bắt đầu công cuộc chinh phục nó ... Và cũng không hiểu trời dung đất rủi thế nào , Bố anh lại tìm đến đặt vấn đề với Ba Má tôi xin cho anh  cùng một người cháu họ ở trọ để tiện việc chăm sóc mùa màng ...

Ba Má tôi vốn là những con người tốt bụng nên chuyện đồng ý là tất nhiên , và thế là trong căn nhà tranh vách đất nhỏ bé của chúng tôi kể từ ngày hôm đó xuất hiện thêm hai thành viên mới ...Anh Toàn ( anh họ của anh ) và Anh


Các anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nghèo nàn của gia đình chúng tôi , cùng nấu ăn , cùng đi làm và mỗi tối cùng với tôi và đứa em trai út kém tôi một tuổi rưỡi túm tụm đàn hát với các anh chị và các bạn chung xóm ...

Tôi và thằng em không biết từ lúc nào đã xem các anh như những người anh trai thân thiết , một anh Toàn hồn nhiên vô tư mặc dù đã gần 30 tuổi , ca hát ê a suốt ngày và thường hay thắc mắc : " Tại sao các em ở miền Nam anh thường gặp ở ngoài đường lại hay gọi các anh là Bắc Kỳ ? anh bực muốn chết ! " , và một anh Kiên ( tên anh ) với vốn hiểu biết của một thanh niên vừa tốt nghiệp phổ thông thì cười xòa hiền lành rồi bảo : " Anh bực làm gì , Bắc kỳ - Nam kỳ - Trung kỳ chỉ là cách phân biệt vùng miền thôi ! " . Dẫu được giải thích thỏa đáng đến thế nhưng sự bức xúc của người anh họ kia vẫn không giảm đi bao nhiêu vì cách gọi dân miền Bắc của người miền Nam chúng tôi . 

Thời gian cứ như vậy mà trôi đi một cách êm ả , hàng ngày chúng  tôi đi hái đậu , dẫy cỏ mía , mì cho gia đình anh và nhận lấy những đồng tiền công nhật ... Cho dù là vậy nhưng Tôi nhận thấy giữa anh và gia đình tôi không hề có sự phân biệt ranh giới chủ tớ nào cả vì anh rất hòa đồng - lễ phép và chừng mực ...


 Nhắc lại một chút về khía cạnh khác của câu chuyện ngày xưa ấy  vì vẫn còn rất nhiều , nhiều lắm những kỷ niệm khó quên ...Ngày xưa ấy của chúng tôi , những cô gái chàng trai sàn sàn tuổi nhau thường hay tụ họp lại thành một nhóm bạn rất thân ( lớn tuổi nhất là một người anh vừa thi đậu đại học nhưng do hoàn cảnh quá khốn khó đành bỏ ngang việc học để cùng mẹ trôi dạt lên xứ này tìm kế sinh nhai , anh ấy được chúng tôi xem như là một " trưởng nhóm " vì anh ấy đàn  rất giỏi và hát cũng rất hay , chính anh trưởng nhóm ấy đã dạy cho bọn chúng tôi đàn guitar và dạy cả thanh nhạc ) mỗi đêm về sau một ngày làm lụng vất vả chúng tôi lại hẹn nhau  quây quần hoặc trên sân nhà tôi  ( cái sân nhà được Ba tôi bay rất láng và phẳng bằng đất sét nhão dùng để phơi lúa đậu ) , hoặc trên sân nhà các bạn khác ...mà đàn hát . Tôi từ lúc mười một - mười hai tuổi vốn đã từng làm quen với sân khấu của các địa phương có phong trào văn nghệ nên có thể tạm gọi là ca sỹ và đương nhiên được xem là "ngôi sao" của nhóm ... Để rồi ở chính nơi đây , nơi chỉ có những giọt mồ hôi ngày ngày tưới mặn mặt đất , nơi chỉ có những vết chai sần phồng rộp liên tiếp xuất hiện trên những đôi bàn tay nhỏ bé không hề biết đến sự thương tiếc là gì , chính trên mảnh đất này tôi vẫn còn một chút niềm vui là có rất nhiều bạn , trong đó có anh . Anh không biết hát , chính xác hơn là biết nhưng mà không biết cách theo nhịp nên mỗi khi anh hát ngoài chất giọng trầm ấm ra thường thì tiếng đàn phải chạy theo anh đến hụt hơi...nhưng bù lại anh lại là người tham gia nhiệt tình nhất trong các cuộc vui của nhóm bạn chúng tôi , mỗi lần quây quần với nhau anh chỉ biết ngồi cạnh tôi im lặng lắng nghe ...và cũng chỉ biết lúng túng cười trừ khi chúng tôi bắt ép phải tham gia ...

Cũng nên nói thêm , ở miền quê hẻo lánh  này , âm nhạc lúc bấy giờ là món ăn tinh thần rất quý hiếm , chúng tôi ngoài những lúc tụ tập lại với nhau đã kiêm nhiệm thêm một công việc là " chạy sô " hát cho những đám cưới nghèo , những cái show không có một đồng thù lao ngoài những mâm cỗ đơn giản , những cái show không âm thanh lẫn ánh sáng ...ngoài những tiếng hát vút cao hòa tiếng đàn guitar gỗ ... Những cái show thấm tình đậm nghĩa mà bây giờ rất khó mà tìm có được . 
 
Trở lại câu chuyện của riêng tôi ,công việc hàng ngày của tôi cứ lặp đi lặp lại như thế  , vất vả mệt nhọc và rồi ...vui chơi thư giãn  ... rồi lại vất vả mệt nhọc ....Nhưng xen lẫn với sự vất vả ấy là những tiếng cười trong trẻo trẻ trung cùng sự sôi nổi hồn nhiên của lứa tuổi mười bảy ...


Cho đến một đêm , tôi còn nhớ rất rõ đêm ấy mưa dầm rả rít từ lúc chiều ... Thằng em trai hiếu động của tôi vốn là "chân đi" đã nhanh chóng đội áo mưa cùng với anh Toàn chạy qua nhà hàng xóm để đánh cờ , Ba tôi đi ngủ sớm , Má tôi sang nhà cậu tư đối diện phụ gói bánh cho ngày đám giỗ sắp tới ...Dưới ngọn đèn dầu leo lét chỉ còn anh và tôi ngồi đối diện nhau , tôi ôm cây đàn guitar tập gãy vài hợp âm mới vừa được học còn anh cắm cúi viết dùm tôi những bài hát mà tôi yêu thích ... Không gian , nếu không có tiếng rơi lộp bộp của mưa và âm thanh rời rạc của tiếng đàn tôi có thể coi là sự yên bình và lãng mạn ...

Bỗng anh gọi tên tôi và hỏi rất khẽ  : 
- " M à ! nếu ngày mai xa anh , M có nhớ anh không ? " .
 Tôi mở to mắt ngạc nhiên ...một lúc sau vẫn chưa biết trả lời anh như thế nào thì anh nói tiếp :
- " Riêng anh sẽ nhớ M lắm , có lẽ anh sẽ nhớ em suốt đời luôn đó "
Tôi lúc ấy vì chưa kịp hiểu ý của anh nên tôi cười to và nói :
" Em sẽ không nhớ vì em không thích Bắc kỳ lắm đâu "
Anh cũng bật cười khi nghe tôi trả lời và cả hai chúng tôi nhanh chóng chuyển sang đề tài khác ...


Mười bảy tuổi - tôi vẫn chưa hiểu hết cái gì gọi là tình yêu , chỉ biết rằng sau đêm ấy , mỗi lúc đối diện cùng anh tôi rụt rè hơn , lúng túng hơn , thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhìn trộm anh để kịp bắt gặp ánh mắt dịu dàng trìu mến , kịp  bắt gặp những ân cần chăm sóc mỗi lúc tôi bị đổ bệnh , kịp bắt gặp sự quan tâm giúp đỡ những khi tôi đi làm công cho gia đình anh , kịp bắt gặp những quả gùi , trái bứa hay những chùm sai rừng đen nhánh anh dúi vội vào tay kèm cái nháy mắt thật duyên  ... Một thứ cảm xúc rất lạ không biết gọi là gì đã vô hình len nhè nhẹ vào lòng ...Cái cảm giác được che chở nâng niu khiến tôi trở nên nhỏ bé hẳn đi ...Tôi lặng lẽ thụ hưởng cái cảm giác chưa hiểu là gì đó , sự chăm sóc đó và giữ yên như thế không tiến xa hơn ... 

 
Mãi cho đến sau này , khi đã xa anh rồi tôi mới biết thì ra anh không dám khẳng định và nắm bắt tình cảm của mình chỉ vì câu nói  " Em không thích Bắc kỳ lắm đâu "của Tôi .

Thời gian cứ thế mà trôi đi ... cái tình cảm rất nhẹ nhàng nhưng khó đặt tên đó cũng lặng lẽ mà trôi đi ... 


Ba năm sau , tôi nhận được thông báo của anh trai thu xếp nhanh chóng quay trở về để nhận công tác . Nơi xóa dùm tôi những vết chai sần trên đôi bàn tay nhỏ bé sau những năm tháng làm rẫy vất vả là một cơ quan thuộc ngành văn hóa : " Cty chiếu bóng Hòa Thành ".

Như đã từng nhắc lúc trước , chị chủ nhiệm ( sau này là giám đốc cty ) vốn thấm nhuần tư tưởng đã " ký quyết định " buộc tất cả chúng tôi phải sống tập thể tại cơ quan , cùng ăn , cùng ở , cùng làm ... thỉnh thoảng lắm mới được chạy ù về nhà thăm Ba Má
một vài phút  ...( lúc này cũng  bán hết đất rẫy theo bọn tôi quay trở về phố thị ) 

 
Và cũng trong khoảng thời gian đó , anh đã rất nhiều lần đạp xe vượt hàng mấy chục cây số tìm đến nhà với mong mỏi là gặp được tôi . Có lẽ là duyên số nên hầu như lần nào anh đến tìm  tôi thì hoặc là đang đi chiếu - hoặc là đang đi họp - hoặc là đi xây dựng hay sinh hoạt tổ cộng tác viên điện ảnh các địa phương .v ...v ...Và như thế những lần anh đến, không lần nào anh gặp được tôi cả...

Cuộc sống mới , niềm vui mới đầy lực hấp dẫn đã cuốn hút tôi hòa mình vào guồng quay của nó , tôi tung tăng bay nhảy - tôi hân hoan cất cao lời ca tiếng hát - tôi háo hức lang thang du ngoạn thắng cảnh khắp mọi nơi và rồi cũng khoảng trời mới này tôi lại bắt gặp một ánh mắt khác để vô tình anh bây giờ với tôi hình như chỉ là một trong những bài hát tô điểm cho bức tranh sống động của tuổi trẻ mà thôi ...

Tôi nhanh chóng quên anh , quên luôn câu nói của ngày xưa ... Cho đến một ngày tôi nhận được tin anh sắp đi du học , trước ngày lên máy bay , anh vẫn muốn được gặp tôi dù chỉ một lần , nhưng rồi trời xuôi đất khiến thế nào  tôi lại phải nhận công tác tháp tùng theo đội thông tin lưu động của phòng văn hóa mang máy đi chiếu phim và hát phục vụ bộ đội ở quân trường Phú Giáo nên không thể đến điểm hẹn gặp anh được ...

Hơn mười năm trôi qua kể từ ngày đó , tôi bận rộn với công việc của ngành , say mê với những mối dây  tình cảm bạn bè khác nên  câu chuyện của anh tôi chỉ đặt vào một góc rất nhỏ của cuộc đời mình ...Một vài lần rảnh rỗi lên thăm các bạn cũ còn ở lại bám đất , tôi nghe nói anh đã ra trường và  làm việc cho một cty nào đó
tại một nước của Châu Âu...Anh có về thăm các bạn trên rẫy và hầu như lần nào cũng hỏi han rất kỹ về cuộc sống mới tôi , nhưng có một điều rất lạ mà mãi tôi vẫn không hiểu , vì sao anh không lần nào nữa đến tìm tôi !?

  
Tôi bặt tin anh kể từ ngày đó .

Mười bảy tuổi , tôi còn rất trẻ con để có thể suy nghĩ thật chính chắn . Mười bảy tuổi , tôi vẫn chưa kịp biết thế nào là yêu . Mười bảy tuổi , tôi vẫn là một cô bé rất ham chơi và bướng bỉnh ... Nhưng cho đến sau này tôi hiểu ở tuổi mười bảy , tôi đã có một câu chuyện cổ tích thật đẹp mà có lẽ không nhiều những cô bé tuổi mười bảy có được ...

  
Có những lúc ngồi một mình cùng với những vần thơ , hình ảnh anh - một chàng trai Hà Nội bỗng hiện về mơ hồ như một giấc mơ  , đôi mắt anh nhìn tôi thật buồn ...và tôi loáng thoáng nghe đâu đó hình như vẫn còn vọng lại giọng nói trầm ấm của anh :

-"Riêng anh sẽ nhớ M lắm , có lẽ anh sẽ nhớ em suốt đời luôn đó " 
 .......................

 
Chỉ riêng anh biết nhớ thôi ư ! còn tôi thì sao ...? 


Nhớ chứ ! Tôi sẽ nhớ anh , không phải giống như nỗi nhớ da diết cho một mối tình vô vọng  đầy trắc trở , mà là nhớ về kỷ niệm rằng đã có một chàng trai Hà Nội mang đến cho tôi một câu chuyện cổ tích đẹp như tranh ...

 
Nhớ chứ ! Tôi sẽ nhớ anh -  người đã vô hình bắt nhịp cầu cảm xúc của ngày xưa để từ đó tôi có thể dệt vần và cho ra đời một bài thơ mà tôi tâm đắc nhất .

 
Nhớ chứ ! Tôi sẽ nhớ đến anh bằng thứ tình cảm  rất nhẹ nhàng nhưng sâu lắng để hiểu rằng mình cũng đã từng có một thời biết  nhớ , để biết rằng câu chuyện ngày xưa ấy có thể gọi là "câu chuyện của tình yêu "

 
 Phải không Anh ? 


.......


Nội dung bài thơ được tôi pha trộn thêm một chút hư cấu của sự khoắc khoải và tiếc nuối ... Nhưng đã là thơ thì đó là điều cần thiết  .
 
 Có lẽ ở phía bên kia quả địa cầu anh không bao giờ đọc được những vần thơ này - mà nếu như có một lúc nào đó vô tình đọc được chắc hẳn anh cũng không nhận ra đó chính là bài thơ của cô bé Tây Ninh mười bảy tuổi của ngày xưa anh đã từng một thời yêu thương ...

 



Cho những ngày biết Nhớ


( Tặng anh - Người Hà Nội của ngày xưa tôi ) 
 

Bài thơ này... bài thơ cuối...cho anh
Cho Hà Nội xa em rồi...xa quá
Sóng cuộn lòng em , sóng vô tình đến lạ
Xô dạt nụ cười... xô dạt cả ứơc mơ

Xa anh rồi vụng dại những vần thơ...
Đêm cô đơn - một mình em đứng đợi
Anh bên ai , ngọt ngào tình yêu mới...
Đông đến phưong người - sao tuyết giá nơi em ?

Biết tìm đâu từng giây phút êm đềm
Ta trao nhau những vần thơ ngọt lịm
Khoảng cách xa - từng nhịp tim lên tiếng.
Hai nửa địa cầu - đêm thức với hoàng hôn

Em xa anh chết một nửa linh hồn
Còn một nửa lặng im tìm quên lãng
Hương tình yêu tưởng chừng như gió thoảng
Có ai ngờ thấm đậm khó mờ phai.

Chiều...từng chiều trong nỗi nhớ quắt quay...
Nhớ Hà Nội , dù chưa lần gặp gỡ
Mình xa nhau tại vì đâu anh hở.
Để Đông dài ngơ ngẩn ngóng mùa Xuân

Đêm có về , xin đêm hãy đi nhanh
Đừng lang thang tìm bóng nhau khắp ngõ
Bứơc chân ai dẫm bừa từng vạt cỏ
Cỏ nát nhàu - cỏ sẽ khóc vì đau

Biết bao giờ Hà Nội thấy mặt nhau
Để em biết tình yêu còn ở lại.
Để em biết anh còn bên em mãi.
Mà rời xa miền hư ảo mịt mù !

Chuỗi ngày dài - còn lại một màu thu
Lá vàng rơi...em một mình đuổi bắt...
Nỗi buồn rơi - em một mình đón nhặt
Bởi bây giờ  anh xa quá...thật xa...
 


Viễn Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét